Những bi kịch trong chuyện ở ghép thiếu chọn lọc

Nov 26, 2017

Phản hồi khi đăng tin tìm người ở ghép

Trêu chọc, tán tỉnh, ve vãn, hẹn hò qua điện thoại là chuyện mà các bạn sinh viên đăng tin tìm người ở ghép thường gặp.

Sau một ngày đăng tin tìm người ở ghép trên mạng, Nhật, sinh viên ĐH Xây dựng, mừng rỡ khi nhận được cuộc điện thoại đầu tiên. Đặc biệt người đó còn giới thiệu đồng hương Hải Phòng với Nhật.

Nhật nhớ lại, anh ta giới thiệu tên là Đông, đã 36 tuổi, chưa vợ con gì, đang làm quản lý xây dựng bên Gia Lâm. Rồi cái giọng của anh ta ngày càng ngọt ngào và “ái ái” dần. Cuộc điện thoại của anh ta kéo dài gần 15 phút chỉ với mục đích làm quen, ve vãn, tán tỉnh. Nhật đã phải tìm mọi cách từ chối.

Nhưng buổi tối, người đàn ông này tiếp tục gọi lại, thấy không ai nghe máy, anh ta bắt đầu nhắn tin với lời lẽ vẫn thuộc kiểu ve vãn, tán tỉnh, hẹn hò gặp mặt làm quen, chứ không hề có nhu cầu tìm nhà để cùng ở trọ. Cực chẳng đã, Nhật đành quyết định thay một cái sim khác để thoát khỏi sự quấy rối của anh ta.

Thìn, nữ sinh Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, sau khi được bạn bè mách cho cách đăng tin tìm người ở ghép trên mạng rất có hiệu quả đã hứng khởi làm theo. Kết quả thật đáng bất ngờ, chỉ vài tiếng sau đó có rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến. Nhưng tất cả đều chỉ là những giọng nam gọi đến trêu ghẹo. Thìn cho biết, thậm chí có kẻ trắng trợn đặt vấn đề: “Bạn có muốn sống thử không?”. Choáng váng với những cuộc điện thoại, nhắn tin kiểu đó, Thìn đành chọn giải pháp tắt điện thoại vài ngày.

Gặp phải kẻ trộm “siêu hạng”

Một số sinh viên do quá nóng lòng tìm người ở ghép để chia sẻ tiền nhà và lại cả tin nên đã gặp trái đắng, mất tiền mất của. Đây là tình trạng mà rất nhiều sinh viên, kể cả những người đi làm gặp phải khi tìm người ở ghép không quen biết.

Kể lại câu chuyện năm học vừa rồi, Mai Lan, quê ở Ninh Bình, sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội vẫn còn bức xúc, cuối tháng 8 năm ngoái, Lan đã tìm và thuê một phòng trọ ở phố Đội Cấn tương đối sạch sẽ với giá 1,7 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện nước. Do số tiền sinh hoạt mà bố mẹ gửi cho Lan là 2,5 triệu đồng/tháng nên để cân đối chi tiêu, Lan phải tìm bạn ở cùng. Em không thể ngờ cô bạn có gương mặt dễ thương, hiền lành, tự xưng là sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ, cùng quê với em lại là một tên trộm siêu hạng” – Lan kể lại. Cũng bởi thấy cô bạn dễ mến nên chỉ sau 15 phút trao đổi và đồng ý cho người bạn mới ở cùng, Lan đã nhờ bạn trông nhà để chạy ra chợ mua ít đồ ăn. Khi về đến nhà, Lan tá hoả nhận ra, số tiền trong ví và một số đồ nữ trang mẹ tặng trước khi lên Hà Nội nhập học đã không cánh mà bay. Với Lan đó là bài học nhớ đời và cho đến thời điểm này, cứ nghĩ đến chuyện tìm bạn ở cùng là Lan lại sợ…

Ở ghép, không tập trung học được, dễ phát sinh tệ nạn

Nhiều người vì muốn giảm chi phí đến mức tối thiểu nên đã ở ghép theo kiểu “càng đông càng rẻ”, nhiều khi 5-6 người ở chung trong một căn phòng chưa đến 10m2.

Thái Hưng – SV Trường CĐ Xây dựng số 2 – than thở: “Mỗi tháng trả tiền phòng ít thật, nhưng ở đông người như thế quá chật chội, ồn ào nên chẳng tập trung học hành được gì cả. Phòng trọ chỉ để ngủ thôi chứ muốn học hành thì phải lên giảng đường hoặc đi chỗ khác”. Chúng tôi hỏi sao lại ở đông đến thế? Hưng trả lời: “Mình cũng muốn chỗ ở ít người cho thoải mái, thuận tiện cho việc học hành nhưng cuộc sống khó khăn nên đành phải chấp nhận”.

Tương tự, phòng trọ nơi bạn Trần Thị Trang – SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ở chung cùng 4 bạn nữ khác chỉ khoảng 12m2 nhưng buổi tối phải dành chỗ để 3 chiếc xe đạp nên rất chật chội. Trang tâm sự: “Giá phòng trọ này 2,2 triệu đồng/tháng. Nếu cộng cả tiền điện, nước nữa thì hằng tháng mỗi bạn phải trả hơn 500.000 đồng. Do phòng trọ ở đông người nên rất chật chội, khó khăn và ảnh hưởng đến việc học. Đến mùa thi ngày nào mình cũng ở lại trường để học bài đến 9 giờ tối, chứ về phòng trọ không tài nào học được”.

Do ở đông người, chật chội, khó khăn trong việc học nên nhiều bạn thường tập trung bài bạc. Nguyễn Văn Tiến – SV Trường CĐ Nghề TP.HCM kể: “Cạnh phòng trọ mình đang ở trên đường Huỳnh Khương An (Q.Gò Vấp) có 7 bạn SV ở chung một phòng. Lúc mới vào ở do chưa quen nhau nên thấy ai cũng chăm chỉ học hành. Sau một thời gian mình thấy các bạn ấy thường xuyên rủ nhau đi chơi, tụ tập đánh bài, có bạn nghiện đánh bài mà quên cả giờ đến lớp”.

Không chỉ bài bạc, nhiều người còn dễ bị sa ngã vào các tệ nạn khác nếu sống cùng với những người không đàng hoàng như nghiện game, uống rượu, hút thuốc…

Dễ nảy sinh mâu thuẫn, bất hòa

Không chỉ ảnh hưởng đến chuyện học hành, ở đông như thế còn dễ xảy ra xích mích, mâu thuẫn và phát sinh những chuyện không hay. Do mỗi người một tính, khác nhau về sở thích, quan điểm, cách sống, nếu không hòa hợp được thì rất dễ xảy ra mâu thuẫn, cãi cọ, ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập.

Huỳnh Thiện Toàn – SV Trường ĐH Sài Gòn kể: “Phòng trọ của mình có đến 6 người ở nên rất chật chội, thường xảy ra mâu thuẫn do bất đồng quan điểm và khác nhau về sở thích. Nhiều hôm học ở trường cả ngày, tối còn đi dạy kèm, vì vậy khi về đến phòng chỉ muốn ngủ một giấc cho khỏe, nhưng ngặt nỗi các bạn cứ bày máy tính ra chơi, nghe nhạc và bật đèn sáng trưng đến khuya nên không sao ngủ được. Những ngày cuối tuần, trong phòng có một bạn thường xuyên dẫn bạn gái về ngồi chơi cả buổi nên mình và những người khác phải tìm chỗ “di tản”. Nhiều bạn trong phòng rất bực bội, góp ý hoài nhưng đâu cũng vào đấy”.

Khi tìm người ở ghép, đừng quá tiết kiệm tiền mà ở chung với nhiều người, nhất là những người mình chưa hề quen biết. Nếu ở ghép, tốt nhất nên tìm những nhóm bạn học cùng lớp, cùng trường, cùng quê, bạn đồng trang lứa siêng năng, chăm chỉ trong học tập để hỗ trợ cho nhau cùng tiến bộ.

Sưu tầm

Đừng quên tải App Ohana về điện thoại của mình.
❤️Việc tìm phòng sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết:
Cho Android: http://bit.ly/Ohana-Airdroid
Cho iOS: http://bit.ly/Ohana-IOS

Great! You've successfully subscribed.
Great! Next, complete checkout for full access.
Welcome back! You've successfully signed in.
Success! Your account is fully activated, you now have access to all content.